(bài có vài chi tiết dịch từ những nguồn khác nhau)

Người ta có thể nhìn vào một (vài) chiếc đồng hồ để đoán được tính cách của cả một dân tộc. Đây là ý kiến cá nhân mà tôi đã đúc kết cho riêng mình sau hằng bao giờ ngồi ngây người ra ngắm, và đọc về đủ mọi thể loại đồng hồ. Tại sao ư? Vì đồng hồ, và ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ là cả một nghệ thuật. Đó là sự hoà quyện tinh tế nhất giữa tính chính xác đến tột cùng của kĩ thuật, và những chi tiết thiết kế đẹp tới đừng điểm chấm. Nhìn vào những tác phẩm đấy, ta có thể biết những kĩ sư và nghệ sĩ đứng đằng sau tạo nên nó là người thế nào.

Đồng hồ Anh Quốc đầy chất cổ điển. Đồng hồ Liên Xô giản dị và đầy hoài niệm. Đồng hồ Đức chính xác đến mức khô khan và tinh tế đạt đến hoàn mỹ. Đồng hồ Mỹ cởi mở và khoáng đạt. Thế còn đồng hồ Nhật phác hoạ gì về con người Nhật? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng nhìn vào biểu tượng của ngành đồng hồ Nhật Bản – Seiko.

Seiko có những chiếc đồng hồ hết sức đơn giản, không cầu kì, không hoa mỹ phức tạp mà rất cần cù. Khi cầm một con Seiko 5, dù là loại rẻ nhất lên tay, ấn tượng đầu tiên của bạn về nó ắt phải là cảm phục – như cách bạn cảm phục những điểu bình dị nhất, cảm phục chiếc đồng hồ mỏng manh được tạo ra chỉ để cần cù làm công việc đong đếm thời gian. Tích tắc, tích tắc, và cứ mãi không ngưng.

seiko 5

Seiko lại có những con đồng hồ đầy tính nghệ thuật. Có con nhìn tinh khiết như bông tuyết rơi xoay nhẹ trên mặt nước ở một vùng quê nào đó. Có con nhìn lả lơi mời gọi nhưng vẫn kiêu kì như một geisha đang cất lên tiếng ca.

seiko snowflake

seiko cocktail time sweet

Seiko có con mạnh mẽ đến mức dữ dội và đanh ác. Có con thanh bình và tĩnh lặng như ngọn núi cao trường tồn cùng tuế nguyệt.

seiko monster

seiko alpinist

Nhưng trên hết, Seiko mang trong mình niềm kiêu hãnh, của một dân tộc có nền văn hoá đặc biệt không trộn lẫn vào đâu được, của một dân tộc lớn mạnh nhờ chiến tranh, nhưng cũng biết đứng dậy sau thất bại từ chiến tranh. Cầm bất cứ con Seiko nào lên, cũng có cảm giác như từng điểm, từng nét đó là tinh hoa, là kiêu hãnh xuất phát từ tận tâm của người nghệ sĩ.

—–

Vào năm 2013, Seiko cho ra đời Seiko Ananta ‘100 năm kỉ niệm’ để đánh dấu mốc 100 năm từ ngày Seiko ra mắt chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên. Và không lấy gì lạ, khi ý tưởng chính của thiết kế chiếc đồng hồ này được truyền từ lịch sử Samurai – giai đoạn đầy hỗn loạn nhưng cũng đầy huy hoàng trong dòng chảy lịch sử của Nhật Bản.

Lịch sử Nhật Bản tới ngày nay ghi lại tên tuổi của rất nhiều Samurai và Lãnh Chúa, mỗi người đều là một truyền thuyết đẹp về kiêu binh của thời loạn. Trong số đó, câu chuyện về Masamune Date nổi bật hơn hẳn. ‘Độc nhãn Long’ Date cầm quân đánh trận đầu tiên vào năm 14 tuổi, trải qua muôn vàn trận chiến và kế thừa danh hiệu Lãnh Chúa từ cha mình vào 3 năm sau, khi ông tròn 17. Hãy không đi quá sâu vào lịch sử, nhưng đội quân của Date luôn gieo rắc nỗi sợ hãi khôn cùng đến cho địch thủ của mình. Trang phục của đội quân đó rất đặc biệt: giáp đen và mũ giáp có hình trăng lưỡi liềm to lớn. Hình ảnh trăng lưỡi liềm vàng lạnh lùng đó cũng là những gì lịch sử nhớ nhất khi nhắc đến Date.

date

Seiko Ananta được truyền cảm hứng từ mảnh trăng đấy.

Trên mặt đồng hồ, từ vị trí số 11 đến số 4, là hình ảnh vầng trăng. Lạ thay, hình lưỡi liềm đó không phá bố cục trên mặt đồng hồ, mà còn tạo thành điểm nhấn cho nó. Seiko Ananta chỉ giới hạn 300 chiếc, và mỗi chiếc mặt kính đều được sơn thủ công bởi Isshu Tamura – một nghệ nhân lão làng trong ngành sơn mài ở Nhật Bản. Và đây cũng là lần đầu tiên, người ta có thể dùng sơn mài để tạo nên màu xanh dương đậm đẹp đến thế. Màu xanh đậm đó tựa như bầu trời đêm đầy huyền bí, và rồi mảnh trăng lưỡi liềm, cũng quét bằng sơn mài màu vàng lạnh từ từ nổi bật lên. Người ta nói, nó gợi lại hình ảnh của một Masamune Date quyền lực đầy kiêu hãnh nhưng cũng bí ẩn ngày nào.

Seiko Ananta dùng máy 8R28 được giới thiệu lần đầu ở Basel World năm 2008 và là máy chronograph tối tân nhất mà Seiko từng chế tạo. Đó cũng nói lên phương châm của Seiko trong ngành công nghiệp đồng hồ: luôn sáng tạo và đổi mới. Hãy không quá đi sâu vào kĩ thuật ở đây, vì nói về nó, ắt phải thêm vài bài dài nữa mới đủ. Nhưng những gì Seiko đã làm gần đây, có lẽ vài chục năm sau, người ta sẽ phải ngoảnh đầu lại và nói lời cám ơn họ vì những bước đột phá táo bạo này.

Nhìn chung, Ananta không phải là con đồng hồ sang trọng nhất của Seiko, nhưng nếu phải chọn một con phác hoạ rõ nét tính cách con người Nhật Bản nhất, tôi sẽ chọn nó. Dù là giữa ánh sáng chói chang ban ngày, hay vào buổi đêm đen mịt, vầng trăng lưỡi liềm đó vẫn sẽ luôn gợi lên cho tôi hình ảnh về những thứ làm nên con người Nhật Bản: tinh thần và niềm kiêu hãnh của một Samurai…