Phàm trên đời này, cứ cái gì đụng tới từ sở thích mà đi đến tường tận cũng phải lắm công phu. Tôi có những anh bạn mê nước hoa, họ có thể chỉ ngửi sơ mùi qua đã nói ngay được chai đó của hãng nào, vài tiếng nữa mùi này sẽ bay bớt đi thành ra mùi nào; lại có những anh tôi biết cực sành về ăn mặc, họ biết từng chi tiết nhỏ trên bộ suit phải may thế nào, từng đường gia công trên giày phải đánh bóng thế nào. Tôi rất thích làm bạn với những anh như thế, vì đàn ông, ngoài đam mê đàn bà ra, cũng sẽ thật hay nếu đam mê và tìm hiểu tới tường tận một thứ gì đó.

Thứ gì đó, với riêng tôi là đồng hồ. Đồng hồ Liên Xô.

Tôi không biết mấy anh bạn của tôi đam mê mấy thứ kia thì có nỗi khổ gì không, chứ tôi sưu tập đồng hồ Liên Xô thì khổ như cún.

Đầu tiên là lịch sử của Liên Xô khá rối rắm, với nhiều giai đoạn chiến tranh và hòa bình, phát triển và trì trệ, giữa các vùng lãnh thổ và các quốc gia đan xen, vì vậy ngay cả ở một nhà máy đồng hồ, khoảng cách thời gian vài năm thôi là đã có những dòng sản phẩm hoàn toàn khác biệt nhau về chất lượng cũng như mẫu thiết kế rồi. Thêm nữa, cũng không biết là do tính sáng tạo quá cao hay do tính chất con buôn kiếm lời của người Xô Viết, họ cho ra đời cả chục mẫu thiết kế khác nhau cho cùng một con đồng hồ. Ví dụ như Vostok, khi thì hãng này làm ra con đồng hồ tri ân hải quân, khi thì dành tặng không quân, khi thì ghi nhớ sự kiện lữ đoàn bộ binh Mạc Tư Khoa vừa hoàn thành chiến dịch nào đó… Điều này làm cho những ai mới chập chững bước vào tìm hiểu đồng hồ Liên Xô không biết phải bắt đầu từ đâu giữa ma trận thế này (như tôi cách đây không lâu).

Tiếp nữa, đa phần các tay sưu tập đồng hồ Liên Xô có kiến thức đều đã khá đứng tuổi, họ có xu hướng chơi ở các forum-chỉ-nói-tiếng-Nga. Vì vậy bọn chỉ biết đọc tiếng Anh như tôi nhiều khi phải mò qua các forum đó dùng Google Translate để mày mò, và đoán, và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Đây là điều khiến tư liệu về đồng hồ Liên Xô khá khó kiếm. Nhiều khi nhìn vào cái đồng hồ không ai bảo được đây là dòng gì, ra đời năm nào, vì mục đích gì…

Tất cả những điều trên khiến việc xem một chiếc đồng hồ Liên Xô đang rao bán trên mạng là legit, fake, franken hay là homage rất khó khăn.

Ở đây, tôi tạm dừng xíu để giải thích những thuật ngữ này, và nó quyết định giá cả một con đồng hồ ra sao.

– Legit dĩ nhiên là đồng hồ thật nguyên chất, nghĩa là mấy chục năm trước nó như thế nào thì hiện tại như thế đó, có bảo dưỡng này nọ cũng chỉ là tra dầu, đánh bóng kính. Với những người hâm mộ các con đồng hồ ‘huyền thoại’ như Poljot Strela 3017 đời đầu, thì kiếm được một con Legit thế này hay được gọi là ‘my holy grail’ (chén Thánh của tôi). Như gần đây, cộng đồng chơi đồng hồ Liên Xô đến phát sốt lên vì có một con Strela 3017 trên mặt có chữ ПОЛЕТ, mặt kính Cyrillic xuất hiện trên eBay. Bao nhiêu tay nhào vào đấu giá đẩy nó lên đến giá cuối là $1400.

legit

– Fake dĩ nhiên là đồng hồ giả. Cái này thiết tưởng không cần nói nhiều. Đặc trưng của những con này là nhìn rất mới, mới một cách đáng ngờ. Nhưng với việc tìm tài liệu về đồng hồ Liên Xô rất khó, nhiều tay mới bắt đầu săn đồng hồ hay bị lóa mắt và bị dụ thế này.

– Franken là loại khó nhất. Thường khi một chiếc đồng hồ Legit bị hư gì, nếu những tay sửa đồng hồ dùng phụ tùng từ chiếc đồng hồ khác cùng loại, thì cái đó vẫn là Legit (kiểu kim giây của Strela 3017 bị hư, lấy kim giây từ một con Strela 3017 khác cùng năm thay vào thì vẫn là Legit). Franken là khi những tay sửa đồng hồ lấy phụ kiện từ con đồng hồ khác loại mà khá giống hình dáng để thay vào. Franken khó phát hiện vì một con đồng hồ có cả chục phụ kiện, và như ở cùng dòng thì năm sản xuất khác nhau hình dáng phụ kiện khác nhau rồi. Có những con nhìn từng con ốc, balance wheel, movement, font chữ trên mặt, núm vặn… giống y như hàng thật, chắc mẩm rồi, tới khi nhìn tới cái kim lại ồ lên, lẽ ra cái đuôi kim này phải hình thoi nhọn chứ, mới phát hiện té ra là đã phải thay kim rồi. Vậy là con đó thành Franken watch ngay.

– Homage thì đơn giản chỉ là hãng quyết định làm con đồng hồ mới hoàn toàn để ‘nhớ về’ mẫu thiết kế nào đó cả chục năm trước. Thường nếu mua chính hãng thì họ sẽ nói rõ, đây là phiên bản làm mới lại năm nào, năm nào. Nhưng những tay bán trên mạng thì ít khi có lương tâm thế, và những ai không quen nhìn vẫn sẽ thấy thiết kế này giống y hệt thiết kế năm nào, thế là mua thôi.

okeah 2012

Như đây là con Okeah huyền thoại được làm lại với số lượng hạn chế 300 chiếc vào năm rồi. Tất cả giống mẫu nguyên gốc, như là homage.

Với dân sưu tập đồng hồ Liên Xô, kể cả lâu năm, thì phân biệt giữa một con Legit và một con Franken là khó nhất. Vì không hề có tài liệu nào ghi lại, tất cả đều chỉ qua tìm tòi của các thành viên, nên nhiều người cho rằng kim màu này cũng là thật, vì tôi thấy phiên bản thế ở X, ở Y rồi; người thì khăng khăng kim đó là không phải nguyên bản rồi, kim nguyên bản màu không bao giờ thế. Vì vậy phải tìm hiểu từ nhiều nguồn để đi tới quyết định của riêng mình.

Tôi đi làm tiền không nhiều, muốn có tiền theo đuổi sở thích phải mất thời gian kiếm mua mấy con đồng hồ mới giảm giá trên mạng, mua sau đó chờ vài tuần sau khi nó hết giảm thì mang lên bán lại, nên khi bỏ ra vài trăm USD mua một con đồng hồ Liên Xô, tôi thường phải xem xét và tìm hiểu rất nhiều, kẻo mua phải con Franken thì chắc tức chết thôi chứ chưa nói đến con Fake hoàn toàn.

Dĩ nhiên có những shop cam đoan bán hàng Legit đã có uy tín cả vài chục năm, mua đó thì bảo đảm, nhưng giá đắt hơn phải gấp rưỡi hay gấp đôi là ít. Tôi đành phải xem trên các nơi rao vặt hay bán hàng online như eBay. Sau khi kiếm được con mình thích là quá trình nghiên cứu xem liệu nó có phải hàng Legit không. Thường thì tôi tham khảo ở forum về đồng hồ Liên Xô trên WatchUSeek, các blog, hay vào từng trang web uy tín mà xem đồng hồ của họ và so sánh. Nếu vẫn còn nghi ngại, dù chỉ gợn chút thôi, là tôi phải gửi tin nhắn tới các tên tuổi có uy tín trên forum hay blog mà nhờ tư vấn.

Đây, ví dụ gần đây, tôi muốn mua một con được xem là The Holy Grail của nhiều người –Okeah. Okeah có 2 mẫu chính (không kể mẫu Homage gần đây làm lại) là ở thập niên 70 và 80. Tôi tìm được từ nhiều nguồn tin cậy đây là hình gốc của 2 con đồng hồ này

Đây là con năm thập niên 70

70

70b

Đây là con năm thập niên 80

80

80b

Nhìn 2 con này hoàn toàn giống nhau, ngoài vị trí con ốc này đây.

oc

Sau một thời gian  tìm hiểu, tôi tìm được một con trên eBay

Con này nhìn chi tiết trên mặt đồng hồ đều giống

dial-look-like

Ok, tôi nhìn sang máy

movement

Wow, phiên bản này là phiên bản không có con ốc, mọi chi tiết khác từ font chữ ở trên máy, các bánh răng bố trí ra sao… đều giống như trong hình gốc. Ấy thế mà tôi vẫn gờn gợn, tôi mới lên forum về đồng hồ Liên Xô hỏi, thì có tay trả lời

Cái này là franken. Mày nhìn vào mặt số, nó là mặt gốc nhưng đã được phủ lớp phản quang lại (mấy cái màu xanh lá phản quang trên mặt số nhìn mới hơn ở kim).

Well, cái này thì không sao. Nhưng đọc tiếp,

Cái nắp là chrome, trong khi OKEAH thật có nắp là thép không gỉ và thường được in hình trên đó.

Thế đấy, không cẩn thận là tôi mua phải hàng franken mà cứ hí hửng mình mua được một con Legit rồi.

Nhìn chung đồng hồ Liên Xô là tùy duyên, nhiều khi có duyên gặp được một con giá vừa túi tiền mà là hàng xịn, nhiều khi vô duyên kiếm mãi mà toàn ra giá trên trời hay hàng giả. Nói chung vất vả lắm mới kiếm được một con ưng ý. Thường ưng ý con nào tìm mấy tháng trời nhiều khi vẫn chưa ra. Nhưng khi cầm trên tay một con săn được, ngắm từng góc cạnh, từng đường uốn lượn của đồng hồ, nghe tiếng kim đồng hồ chạy… thấy như từng nhịp đập của lịch sử đang chạy trong tim mình. Cảm giác đó với tôi là thứ đam mê tuyệt vời nhất.

B.l.u.e